Đường huyết thấp có thể gây ra huyết áp cao

Khi đường huyết thấp, cơ thể sẽ cố gắng giữ cho các cơ quan hoạt động bằng cách tạo ra nhiều thay đổi, gồm tăng huyết áp và nhịp tim.

Đường huyết thấp (hạ đường huyết) là khi lượng đường trong máu dưới 70 mg/dL, với các triệu chứng như mệt mỏi, đổ mồ hôi và ngứa ran ở môi. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), lượng đường trong máu thấp thường xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp một. Tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp hai đang sử dụng insulin hoặc một số loại thuốc nhất định.

Một nghiên cứu trên bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp một đăng trên tạp chí Y khoa Mỹ cho thấy, hạ đường huyết có thể dẫn đến tăng huyết áp theo thời gian. Khi lượng đường trong máu thấp, cơ thể cố gắng giữ cho các cơ quan thiết yếu hoạt động bằng cách gây ra nhiều thay đổi khác nhau, gồm tăng nhịp tim và tăng huyết áp. Lượng đường trong máu thấp cũng có thể dẫn đến những thay đổi về nhận thức trong thời gian dài, rối loạn nhịp tim và đau tim.


Huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về não, tim và thận, tổn thương cơ quan và rối loạn chức năng nhận thức. Do đó, nếu tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát có thể xảy ra các biến cố nghiêm trọng như đột quỵ, đau tim, suy thận và sa sút trí tuệ. Ngoài ra, tăng huyết áp làm cho các thành động mạch chịu nhiều áp lực dẫn đến tim cần phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, có thể dẫn làm hỏng cơ tim.

Để tránh lượng đường trong máu thấp, người bệnh nên có chế độ ăn uống cân bằng và duy trì thường xuyên. Bạn nên mang theo đồ ăn nhẹ lành mạnh, viên đường hoặc các loại carbohydrate có tác dụng tăng lượng đường trong máu nhanh như chuối hoặc nho khô. Bên cạnh đó, bạn cần tìm hiểu cách sử dụng thiết bị kiểm tra đường huyết tại nhà, ghi nhật ký thực phẩm giúp xác định các tác nhân gây ra bệnh và thay đổi chế độ ăn uống cho phù hợp.

Người bệnh tiểu đường có thể áp dụng quy tắc 15-15 (ăn 15 gram carbohydrate và kiểm tra lượng đường trong máu sau ăn 15 phút) để giúp tăng lượng đường trong máu từ từ. Nếu lượng đường trong máu không đáp ứng với carbohydrate trong vòng 15 phút, lặp lại các bước cho đến khi lượng đường trong máu trong phạm vi an toàn.

Ngăn ngừa lượng đường trong máu thấp là một phần quan trọng để ngăn ngừa tăng huyết áp. Có nhiều cách khác nhau để kiểm soát đường huyết và huyết áp, ngoài các cách trên, bạn có thể tìm hiểu các công thức nấu ăn giúp giảm huyết áp cao và cách quản lý lượng đường trong máu để đảm bảo lượng đường luôn ở mức bình thường.

Mai Cát (Theo Verywell Health)

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Shopping Cart
0906 907 927